CÂU LẠC BỘ ĐỌC SÁCH
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Người Việt có văn hóa đọc?

Go down

Người Việt có văn hóa đọc? Empty Người Việt có văn hóa đọc?

Bài gửi by Taros Mon Aug 16, 2010 9:04 pm

Unesco lấy ngày 23/4 hàng năm làm ngày sách và bản quyền thế giới
để khuyến khích sự đọc sách. Nhìn lại tình hình sách in quá khiêm tốn
của chúng ta hiện nay, người thì cho là lỗi của xã hội thờ ơ với sách,
người thì gán tội cho người viết không thể sáng tạo ra những đứa con
tinh thần xinh đẹp để người đọc phải đổ xô đi tìm, người thì đổ lỗi cho
sự bành trướng của báo trí, truyền hình, Internet…


Dù Nho giáo không con nữa nhưng “ảnh hưởng của Nho giáo ở phương diện
tư duy, ở phương pháp tư tưởng thì còn lâu mới gột hết được, không chỉ
bởi Nho giáo không được cùng sinh với chế độ phong kiến nên không cùng
chết với nó mà kiểu tư duy Nho giáo đã đi vào vô thức” người Việt.


Quả thật với dân số hơn 80 triệu đã được xoá nạn mù chữ, đang tiến
tới phổ cập PTTH mà mỗi đầu sách chỉ in từ 1.000 – 1.500 cuốn mà bán lẹt
đẹt mãi không hết thì chúng ta phải đặt câu hỏi. Nhưng nói rằng tại
sách không hay nên bán không chạy thì e rằng không thoả đáng, vì thực tế
trong những năm qua có những cuốn sách viết tương đối được, hay những
truyện dịch từng nổi tiếng ở nước ngoài mà bán vẫn ì xèo thì đâu phải
tại tác giả hay tại sách, nói rằng do truyền hình, Intemet… thì tại sao
các nước phát triển những thứ đó họ có trước ta tới ¼ thế kỷ mà số lượng
sách trung bình xuất bản vẫn hàng vạn.
Theo tôi để trả lời một cách thấu đáo thì có nhiều nguyên nhân, trong
đó có nguyên nhân từ quá khứ, từ lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc.
1. Người Việt trải qua hơn ngàn năm sống dưới chế độ quân chủ, nơi mà
tất cả quyền lực đều tập trung vào tay nhà vua, nhà vua chỉ trao quyền
cai trị dân chúng cho một số ít quan lại hay số người thi đậu ít ỏi qua
các kỳ thi hương, thi hội, thi đình vốn là những kỳ thi năm thì mười hoạ
hay vài ba năm mới diễn ra một lần. Và sự đọc sách thánh hiền thời đó
của tầng lớp học trò, sĩ tử không chú trọng vào việc mở mang trí thức,
mà cốt để thi đậu làm quan bởi quan niệm "một người làm quan cả họ được
nhờ”. Bởi vậy, học trò chỉ học cái thi cử cần. Dạy cũng chỉ dạy cái cần
cho thi cử. Người học chỉ đọc những sách tóm tắt gọi là đại cương hoặc
tất yếu chứ chưa bao giờ đọc chính văn hoặc toàn văn, học trò học thi
theo các "bộ đề" thi (cũng được soạn thành sách) theo nội dung tối thiểu
là thi thiên, phú bách, văn sách năm mươi (nghìn bài thơ, trăm bài phú
và 50 bài văn sách). Bởi vậy người học trò Nho giáo nhớ nhiều mà nghe
ít, không có sáng kiến, không có óc sáng tác (thuật nhi bất tác), họ
sống lệ thuộc vào các khuôn mẫu tư tưởng, khuôn mẫu lý tưởng của người
xưa. Chính từ "triết lý giáo dục" đó mà dù Nho giáo tồn tại hơn nghìn
năm mà lớp lớp các sĩ tử người Việt không thể sản sinh những nhà tư
tưởng, những nhà bác học hay các trường phái học thuật - bởi tất cả cái
đó cần sự sáng tạo, phá cách, thoát ra khỏi cái khuôn mẫu như cái vòng
kim cô chụp lên cái đầu học trò, sĩ tử người Việt. Mặt khác, tầng lớp
học trò trong xã hội Việt cổ truyền không nhiều, hơn nữa vài ba năm mới
có một kỳ thi và việc thi đậu làm quan là rất khó khăn.
Hàng nghìn sĩ tử lều chõng lên kinh chỉ vài ba người trong số đó
chiếm được bảng vàng, nên việc gửi con đến trường, mong có ngày con thi
đậu làm quan trong nhiều trường hợp đã trở nên thiếu thực tế giữa lúc
nhu cầu ăn mặc thúc bách hàng ngày. Vì thế có một kẻ sĩ đọc sách trong
nhà nhiều khi không phải là một vinh dự mà là gánh nặng, họ là kẻ "dài
lưng tốn vải, ăn no lại nằm" hoặc bị mang ra giễu cợt: "nhất sĩ nhì
nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ”.
Có thể nói "triết lý giáo dục" Nho giáo có ảnh hưởng rất lớn tới “văn
hoá đọc" của người Việt ngày nay. Vì nói như Ts. Đỗ Lai Thúy thì dù Nho
giáo không còn nữa nhưng “ảnh hưởng của Nho giao ở phương diện tư duy, ở
phương pháp tư tưởng thì còn lâu mới gột hết được, không chỉ bởi Nho
giáo không cùng sinh với chế độ phong kiến nên không cùng chết với nó,
mà kiểu tư duy Nho giáo đã đi vào vô thức, người Việt.
2. Không ai có thể phủ nhận tác động to lớn của nghề in đối với sự
phát triển của nhân loại. Ở Trung Quốc vào thời cổ đại, sự xuất hiện của
nghề làm giấy, nghề in được coi là bốn phát minh lớn. Ở Châu Âu vào thế
kỷ XV, với phát minh ra máy in (1434) và một thứ mực cho phép in cả hai
mặt giấy (1441), đặc biệt sự cải tiến của Gutenberg (1400 - 1468) từ
con chữ in bằng gỗ sang con chữ in bằng kim loại đã tạo ra một cuộc cách
mạng: xuất hiện ngành công nghiệp in. Và không phải ngẫu nhiên khi thế
giới tôn vinh, coi Gutenberg là một trong mười nhân vật vĩ đại nhất của
nhân loại từ xưa đến nay, còn phát minh của ông cũng là một trong những
phát minh vĩ đại nhất trong sự phát triển của nhân loại. Tôi nói dông
dài từ Á sang Âu để thấy vai trò và tác động của nghề in ấn tới sự phát
triển của xã hội nói chung và sự đọc của con người nói riêng như thế
nào. ở Việt Nam,
sử chép: vào khoảng thế kỷ I đến thế kỷ III đã khắc in kinh Phật. Như
vậy nghề in của ta đã có từ khá sớm.
Trong thời kỳ phong kiến, các cơ sở ấn loát của Nhà nước phong kiến
chủ yếu in sách giáo dục (Tứ thư, Ngũ kinh), kinh Phật. Các sách về y
học, các khoa học khác không được in nhiều nếu không muốn nói là rất ít
Sang thế kỷ XVII, với sự hưng khởi của đô thị Việt Nam, kinh tế hàng hoá
manh nha hình thành thì nghề in cũng xuất hiện những cơ sở tư nhân, ban
đầu là một số quan lại, trí thức bỏ tiền ra khắc ván in sách như Lê Quý
Đôn, Nguyễn Văn Siêu, Bùi Huy Bích, Cao Xuân Dục… song tiêu biểu nhất
là phường in Liễu Chàng (Hải Dương có tuổi thọ 211 tuổi (1683 – 1904).
Phường in này đã cho khắc in nhiều bộ sách quan trọng và có giá trị: năm
1967 khắc in Đại Việt sử ký toàn thư, năm 1972 khắc in Truyền kỳ mạn
lục, năm 1714 khắc in Nam được thần hiệu của Tuệ Tĩnh… không nghi ngờ gì
nữa, chính sự ra đời của nghề khắc mộc bản in sách (tương truyền ông tổ
là Lương Như Hộc) và sự phát triển của các cơ sở in tư nhân đã góp phần
quan trọng vào việc truyền bá tri thức và thúc đẩy “văn hóa đọc” của
dân tộc. Đến nay tất cả những sách Hán Nôm chúng ta có được đều được in
vào giai đoạn này. Tuy nhiên,do việc in ấn phức tạp, hơn nữa triều đình
lại phong toả nghiêm ngặt (ví dụ, năm 1718 Trịnh Cương cấm nhân dân chứa
các ván in sách và sách in) nên nghề in của nước ta kém phát triển. Do
vậy mà lượng sách Hán Nôm được lưu hành chưa đầy 30% mà chủ yếu ở tầng
lớp quan lại, học trò, thầy đồ - một bộ phận rất nhỏ trong xã hội Việt
truyền thống. Còn 70% số sách còn lại là chép tay của ai người nấy giữ.
Số liệu trên không nói ai cũng rõ, tỷ lệ người biết chữ trong xã hội
phong kiến rất ít và trong số ít của ít đó ai có điều kiện đọc được 30%
số sách lưu hành kia?
Cùng với sự xâm lược của thực dân Pháp, Ngành in Châu Âu cũng được du
nhập vào Việt Nam,
khai tử nghề in, nghề làm giấy cổ truyền. Và để cai trị được bền vững,
thực dân Pháp ra sức áp dụng chính sách ngu dân. Trường học chỉ dành cho
một số nhỏ con cái Pháp kiều và những người trung thành với chế độ.
Việt ngữ bị giới hạn, Pháp ngữ được dùng làm ngôn ngữ chính thống trong
chương trình giảng dạy. Người đi học thời kỳ này thường nhằm vào mục
đích làm việc cho Pháp để vinh thân phì gia.
Đối với người Pháp, chúng ta không thể phủ nhận một phần công lao
quan trọng của họ trong việc tạo dựng chữ quốc ngữ, nhưng phải hiểu sự
tạo dựng này không phải nhắm vào việc nâng cao dân trí mà với mục đích
truyền giáo, thâm độc hơn là nâng cao chữ quốc ngữ để chữ nho mai một
dần, giảm bớt sự chống đối của người Việt với chính quyền thực dân. Bởi
sách chữ nho dạy con người ta biết trung, hiếu, tiết, nghĩa, trong đó
chữ trưng gợi lên lòng yêu nước. Vì lẽ đó năm 1900 thực dân Pháp sửa
chương trình thi cử, bên cạnh chữ Pháp, tăng chữ quốc ngữ, bỏ bớt chữ
nho khiến nhà thơ Trần Tế Xương phải than trong bài "Than đạo học":

Đạo học ngày nay đã hỏng rồi
Mười người đi học, chín người
thôi
Cô hàng bán sách lim dim ngủ
Thầy khóa tư lương nhấp nhổm
ngồi…


Sản phẩm của chế độ thực dân, phong kiến là đến năm 1945 dân ta hơn
95% mù chữ, vậy văn hoá đọc lấy đất đâu để phát triển.
Sau hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, đất nước ta bước vào
thời kỳ đổi mới, với suốt đời của một hệ thống ngành xuất bản, nhưng văn
hoá đọc của người Việt có thay đổi hay không? Tôi nghĩ câu trả lời
không khó. Cứ nhìn vào tầng lớp sinh viên, học sinh hiện nay thì có câu
trả lời khá chuẩn xác: Họ đọc không gì ngoài mấy cuốn giáo trình từ
những năm 60 - 70 của thế kỷ trước, rất ít người chịu khó đọc thêm sách
tham khảo, mở rộng kiến thức. Họ vẫn chỉ học những gì họ thi và người
dạy vẫn dạy những gì có trong giáo trình.
Dông dài, lang thang trong lịch sử tôi chỉ muốn nhìn thấy cái nguyên
nhân bắt rễ từ truyền thống hiếu học chứ không hiếu đọc của nhân dân
chúng ta, để có một giải pháp mang tính chiều sâu gây dựng nhu cầu đọc,
nâng cao dân trí của người Việt.
Nguồn:
Sách & Đời sống
Taros
Taros
Super Moder
Super Moder

Tổng số bài gửi : 859
Điểm : 2289
Được cám ơn : 11
Join date : 26/09/2009
Age : 35
Đến từ : Hà Nội

Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết